icon menu mobile

CỘNG ĐỒNG TÀI CHÍNH THÔNG MINH

ĐHCĐ VPbank (VPB): thu về 1,4 tỷ USD từ bán 49% vốn FE Credit, dự kiến tăng vốn lên 7.500 tỷ đồng năm 2022

Tuệ Lâm
icon calendar
01/05/2021 16:48
icon comment 0

ĐHCĐ thường niên năm 2021 của VPB đã thông qua việc chuyển nhượng 49% vốn điều lệ Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho SMBC CF – Nhà đầu tư Nhật Bản; và chuyển nhượng 1% vốn FE Credit cho Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt (VCSC). Sau giao dịch, VPBank sẽ chỉ còn sở hữu 50% tại FE Credit.

Không ngoài dự đoán, nội dung được cổ đông và nhà đầu tư đặc biệt quan tâm tại ĐHCĐ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán VPB) diễn ra ngày 29/4 vừa qua chính là việc bán phần vốn góp tại FE Credit – vốn đã được đồn đoán và chờ đợi công bố chính thức trong 2 năm nay.

Trước khi diễn ra ĐHCĐ 1 ngày, tức ngày 28/4, VPBank cũng đã tổ chức lễ ký thoả thuận bán 49% vốn FE Credit cho SMBC.

Được biết, FE Credit được định giá 2,8 tỷ USD trong thương vụ này. Như vậy, mức đầu tư mà SMBC đã phải ra để sở hữu 49% vốn tại FE Credit là gần 1,4 tỷ USD. Với con số này, đây là khoản đầu tư lớn nhất của một ngân hàng Nhật Bản vào một tổ chức tài chính Việt Nam.

HĐQT trình cổ đông thống nhất với quyết định của HĐQT và tiếp tục giao, uỷ quyền cho HĐQT quyết định tất cả các vấn đề liên quan tới việc chuyển nhượng vốn góp của VPBank tại FE Credit.

Chia sẻ tại đại hội, ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch HĐQT VPB cho biết, ban đầu có 2 phương án được đưa ra, một là IPO FE Credit năm 2017 và 2 là bán vốn cho đối tác chiến lược. Nếu thực hiện theo phương án 1, IPO thì sẽ bán được giá cao hơn, có thể lên 4 tỷ USD. Sau quá trình tiếp xúc và cân nhắc, VPBank đã đi theo phương án hợp tác với SMBC, tận dụng kinh nghiệm, nguồn vốn rẻ và cam kết mạnh mẽ với VPB để tiếp tục phát triển FE Credit lên tầm cao mới. Đây là 1 trong 3 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản. Công ty đứng ra mua là công ty tài chính tiêu dùng lâu đời nhất, thị phần tín dụng tiêu dùng lớn nhất ở Nhật Bản.

Trả lời thắc mắc của cổ đông về việc bán FE Credit có phải VPB đã bán đi “con gà đẻ trứng vàng”. Lãnh đạo ngân hàng, ông Nguyễn Đức Vinh, CEO VPB cho rằng, sau khi bán thì FE Credit vẫn là công ty con của VPB, vẫn hạch toán trong bảng cân đối hợp nhất. Việc bán đi phần vốn với mục đích là tìm kiếm đối tác để cùng hợp tác đưa FE Credit phát triển hơn, mang lại giá trị lớn hơn. Thực tế, VPBank đang mong muốn miếng bánh cho vay tiêu dùng phát triển hơn nhiều.

Có thể trong năm 2021, hoặc trong 1-2 năm đầu, lợi nhuận thu được từ FE Credit có thể không tăng, nhưng dài hạn sẽ tiếp tục tăng trưởng. FE Credit vẫn là một trong những bộ phận quan trọng của ngân hàng.

VPB 1

Về kế hoạch sử dụng nguồn tiền sau khi bán, ông Vinh cho biết mục tiêu cụ thể đang được ban lãnh đạo xây dựng. Lợi ích đầu tiên là nâng hệ số an toàn vốn (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng – tỷ lệ CAR), hiện là 11,5% sắp tới có thể lên trên 20%. Sau khi bán FE Credit, CAR của ngân hàng sẽ vượt 20%, tất nhiên, CAR ở mức cao quá thì an toàn nhưng lại không hiệu quả, Ban lãnh đạo sẽ phải tìm hướng để tận dụng nguồn vốn, mở rộng, tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở các mảng mới, các phân khúc chiến lược, đầu tư vốn vào các công ty khác, những lĩnh vực mà trước kia chưa có nhiều vốn để mở rộng.

Đơn cử, ngân hàng đầu tư là một mảng tiềm năng. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo sẽ nghĩ đến khả năng tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, cơ hội để phát triển rất lớn ở ngân hàng số.

Hiện VCSH của VPB là 52.700 tỷ đồng, dự kiến năm nay có các nguồn thu như từ bảo hiểm, thứ hai là nguồn thu từ FE Credit, thứ ba là lợi nhuận giữ lại, dự kiến là 16.600 tỷ đồng. Dự kiến, cuối năm 2021, VPB đạt đâu đó 90.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.

Với nguồn vốn chủ sở hữu xấp xỉ 4 tỷ USD vào cuối năm nay, VPBank có thể tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu này trong năm tiếp theo (2022).

Ông Dũng cho biết, kế hoạch cụ thể sẽ phải trình phương án lên cơ quan quản lý với đầy đủ thủ tục, và quan trọng nhất là “phải có tiền thật trong tay”. Vì vậy, VPB chưa thể chia cổ tức cổ phiếu từ nguồn vốn chủ trong năm nay mà phải đến cuối năm khi hoàn thành các kế hoạch kinh doanh.

Nếu đúng các tiến độ đề ra, ngân hàng có thể tiến hành nâng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu trong năm 2022 lên tối thiểu 75.000-80.000 tỷ đồng. Thậm chí, đây mới chỉ là mức vốn tối thiểu nếu hoạt động kinh doanh của VPBank đạt kế hoạch.

Hiện vốn điều lệ VPB là 24.547 tỷ đồng.

Cổ đông cũng đặt câu hỏi về thị giá cổ phiếu VPB đang ở mức cao, trong khi ngân hàng vẫn còn 75 triệu cổ phiếu quỹ. Ngân hàng có muốn bán cổ phiếu quỹ không? Ông Ngô Chí Dũng cho biết, nếu bán bây giờ, VPB sẽ có khoản thu 4.000 tỷ đồng, trừ giá vốn thì có lợi nhuận khoảng 2.500 tỷ đồng. Tạm coi đây là khoản lợi nhuận trên sổ sách, chưa dùng đến.

Tuy nhiên, VPB  đang có kế hoạch phát hành cho cổ đông chiến lược. Khi đạt thoả thuận, số cổ phiếu quỹ sẽ được bán cùng với lượng cổ phiếu phát hành mới cho cổ đông nước ngoài.

“Khi đó giá có thể cao hơn hiện nay và ghi vào thặng dư vốn, tăng vốn chủ sở hữu ngân hàng. Tôi nghĩ cổ đông sẽ thích phương án này hơn”, ông Dũng cho biết.

Hiện tại, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank vào khoảng 20% và ngân hàng đã khóa room để chờ phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài. VPB đang tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài, ưu tiên nhà đầu tư chiến lược để tiếp tục phát hành cổ phiếu, huy động vốn cho ngân hàng, có thể thực hiện vào cuối năm nay.

Năm 2021, VPBank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 491.886 tỷ đồng, tăng 17,4%. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đạt 327.280 tỷ đồng, tăng 10,5%. Dư nợ cấp tín dụng tăng 16,6% đạt 376.340 tỷ đồng.

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 16.654 tỷ đồng, tăng 27,9% so với năm 2020.

Nói về cơ cấu doanh thu trong giai đoạn tiếp theo, lãnh đạo VPB cho biết, hiện nay, ngân hàng có quy mô doanh thu 39.000 tỷ đồng, chỉ thấp hơn một số ngân hàng quốc doanh, và so với ngân hàng có doanh thu kế tiếp thì thua VPBank 40%. Trong cơ cấu doanh thu, KHCN đem lại nguồn thu lớn nhất 21.000 tỷ đồng (cơ cấu doanh thu từ huy động, dịch vụ chiếm 40%, tín dụng chiếm 60%, trong tín dụng từ sản phẩm trụ cột, nhà, ô tô, cho vay kinh doanh chiếm 20%. Và nguồn thu lớn từ cho vay tiêu dùng) , nguồn thu đa dạng từ thị trường tiền tệ, khối SME…

Từ năm 2010, VPBank bắt đầu cải cách, tập trung phát triển ngân hàng bán lẻ, đưa VPBank thành Ngân hàng bán lẻ có giá trị trong top 3 thị trường. Hàng năm, VPBank luôn cập nhật tình hình hoạt động với từng chiến lược. Năm 2018-2019 có một số chỉ tiêu chậm lại nhưng được phục hồi trong chỉ tiêu 2021.

Nói về xu hướng các ngân hàng đẩy mạnh phát triển bảo hiểm, nhưng VPBank không có triển khai kế hoạch mảng này, VPBank có dự định triển khai năm nay không? Ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, VPBank đã tham gia mảng bảo hiểm nhiều năm nay, năm 2018 đã ký với AIA. VPBank nằm trong nhóm doanh số bán bảo hiểm lớn nhất thị trường và hợp tác với nhiều công ty bảo hiểm liên quan đến phi nhân thọ. VPBank có doanh số chi tiêu thẻ tín dụng lớn nhất trên thị trường.

Hiện hợp tác của VPBank và AIA đã 3 năm, đem lại kết quả nhất định, và tiếp tục trao đổi tìm cơ hội mới mở rộng. Hy vọng tương lai lĩnh vực phi nhân thọ sẽ là nguồn thu quan trọng trong thu nhập VPBank các năm tới.

ĐHCĐ cũng thông qua phương án tái phát hành/bán cổ phiếu từ nguồn cổ phiếu quỹ theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên VPB năm 2021.

VPBank hiện có hơn 75,2 triệu cổ phiếu quỹ và đề xuất sử dụng toàn bộ số cổ phiếu quỹ này trở thành nguồn cổ phiếu phổ thông dành cho việc phát hành cán bộ nhân viên theo chương trình ESOP hoặc cho các nhà đầu tư mới vào thời điểm thích hợp.

Đối với việc phát hành cổ phiếu ESOP, ngân hàng dự kiến bán 15 triệu cổ phiếu với mức giá ưu đãi 10.000 đồng/cp. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm và giải tỏa 30% sau 1 năm, 35% sau 2 năm và 35% sau 3 năm. Thời gian thực hiện dự kiến vào quý 3/2021.

Ngày 28/04/2021, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC) bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh Vượng (FE CREDIT) cho công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF) – công ty con do SMBC sở hữu 100% vốn. Trong thương vụ này, FE CREDIT được định giá 2,8 tỷ USD.

e0985f1f6ca69ef8c7b7

Thông qua giao dịch này, FE CREDIT sẽ có cơ hội nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn, năng lực quản trị điều hành, kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại châu Á từ Tập đoàn SMBC, đặc biệt là từ SMBCCF – công ty tài chính tiêu dùng đang dẫn đầu tại thị trường Nhật Bản. Đồng thời, giao dịch này sẽ bổ sung nguồn vốn lớn cho VPBank, góp phần nâng cao tiềm lực tài chính để nắm bắt các cơ hội đầu tư mới trên thị trường.

Đối với Tập đoàn SMBC, khoản đầu tư vào FE CREDIT là một phần trong chiến lược trung hạn nhằm mở rộng nền tảng kinh doanh tại châu Á của Tập đoàn. Tập đoàn SMBC kỳ vọng khoản đầu tư này tạo ra sức mạnh cộng hưởng theo cả hai chiều: chia sẻ bí quyết kinh doanh của mình và tiếp thu bí quyết kinh doanh của đối tác.

Tập đoàn SMBC là một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất tại Nhật Bản, với tổng tài sản trên 2.100 tỷ USD tại thời điểm 31/12/2020. Tập đoàn hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, ngân hàng doanh nghiệp, và ngân hàng đầu tư trên toàn cầu, với sự hiện diện tại trên 40 quốc gia. SMBCCF là công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu thị trường Nhật Bản với hơn 900 chi nhánh trên toàn quốc. Trong khu vực châu Á, SMBCCF đã thành lập công ty con tại Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, và Trung Quốc.

Tại thị trường Việt Nam, FE CREDIT hiện là công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu với khoảng 50% thị phần, 20.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc, và trên 13.000 nhân viên. Trong suốt quá trình phát triển, FE CREDIT luôn kiên định thực hiện sứ mệnh “đáp ứng nhu cầu tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức của mọi tầng lớp dân cư để cải thiện chất lượng cuộc sống”. Bằng các khoản cho vay nhỏ lẻ, FE CREDIT đặc biệt tập trung phục vụ phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình và thấp – là chưa được các ngân hàng ưu tiên phục vụ nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính của khách hàng và góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”. Đến nay, FE CREDIT phục vụ hơn 11 triệu người dân Việt Nam thông qua các sản phẩm và dịch vụ cho vay tín chấp của mình.

Giá vàng SJC dần ổn định, thanh tra thị trường vàng

Giá vàng hôm nay 18/5, giá vàng SJC không có nhiều biến động, giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh, Bitcoin (BTC) vượt mốc 67.000 USD

Thao Chi
icon comment 0

Vinhomes: Huy động 10.000 tỷ trái phiếu, nợ vay tăng vọt

Phát hành 5 đợt trái phiếu trong chưa đầy 2 tháng, Vinhomes đã hoàn thành kế hoạch huy động vốn 10.000 tỷ đồng.

Hà Trúc
icon comment 0

Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam nửa cuối tháng 4 đi xuống

Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 4/2024, đạt 29,61 tỷ USD

Yu BChou
icon comment 0

Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc dự kiến đạt đỉnh

Theo Reuters, nhu cầu nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc rất có thể đã đạt đỉnh, cam kết giảm phát thải carbon khi nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới tìm cách giảm phát thải carbon.

Hoàng Le
icon comment 0
Copyright © 2023 SmartF. All right reserved.