Logo

Sau trần tình tăng giá bán trong mùa dịch, áp lực tẩy chay Bách Hoá Xanh chưa dứt vì bán không đúng giá niêm yết

Avatar
Đăng bởi: Khôi Nguyên
19/07/2021 02:14

Trước thông tin Bách Hoá Xanh tăng giá bán một số mặt hàng trong dịch, chiều 16/7, Cục Quản lý thị trường thành phố đã phối hợp cùng Phòng kinh tế TP Thủ Đức kiểm tra giá bán hàng tại chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh. Chưa kịp lắng xuống thông tin này ở thị trường thành phố Hồ Chí Minh, chuỗi Bách Hoá Xanh tiếp tục hứng chịu áp lực từ cộng đồng mạng về việc 2 chi nhánh ở Sóc Trăng và Buôn Ma Thuột bị lập biên bản do phát hiện không niêm yết giá, bán giá cao. 

Hình ảnh internet

Trước các thông tin này, trên khắp diễn đàn, cộng đồng mạng bày tỏ sự bức xúc đối với Bách Hoá Xanh vì nâng giá bán trong thời điểm nhạy cảm – khi cả thành phố phải gồng mình chống dịch và thu nhập của người tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề. Mặc dù đã có thông báo rõ ràng về lý do tăng giá bán không phải vì lợi nhuận, mà do các chi phí vận chuyển, chi phí xét nghiệm cho nhân viên, chi phí nhân công, hư hỏng hàng hóa,…đều tăng khiến chi phí đầu vào của chuỗi này tăng cao.

Dù vậy, thông tin này vẫn không đủ sức giảm bớt làn sóng kêu gọi tẩy chay Bách Hoá Xanh ngày một lớn hơn trên các diễn đàn.

Trái lại, rất nhiều người tiêu dùng tỏ ra hài lòng với chất lượng sản phẩm, độ tươi ngon, thái độ phục vụ của Bách Hoá Xanh, và hoàn toàn thông cảm cho đơn vị này trong mùa dịch cũng đang phải chịu các chi phí tăng cao hơn bình thường. Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng, bình thường giá bán ở các cửa hàng tại khu vực họ sinh sống, có mức giá khá mềm so với các chuỗi khác như Co.op Mart, Vinmart, E-mart…nên việc tăng giá đợt này, nhiều mặt hàng vẫn hơn các chuỗi trên nên vẫn nằm trong tầm chấp nhận được.

Diễn biến vụ việc tại Tp, Hồ Chí Minh, thông tin đến chiều ngày 18/7 cho biết, Cục quản lý thị trường đến nay đã kiểm tra 232/561 cửa hàng, song  thực tế kiểm tra cho thấy giá cả ở các siêu thị này “cũng không phải tăng quá cao”, lượng hàng đảm bảo.Cơ quan quản lý thị trường đã yêu cầu Bách Hóa Xanh và các chợ truyền thống cam kết đảm bảo phòng chống dịch, không tăng giá bất hợp lý. Đồng thời thiết lập các kênh liên lạc, nếu doanh nghiệp có chi phí đột biến tăng cao thì phải cập nhật cho lực lượng quản lý thị trường nắm thông tin.

Trong buổi làm việc cùng cơ quan quản lý thị trường ngày 16/7, ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc hệ thống Bách Hóa Xanh cho biết, bình thường mỗi ngày Bách Hóa Xanh chỉ bán được khoảng 500 đến 600 tấn hàng hóa, còn trong thời gian qua, hệ thống đã nâng lên khoảng 2000 đến 2.500 tấn hàng hóa mỗi ngày. Hệ thống đang nỗ lực để đẩy sản lượng này lên 3.000 tấn và giữ ổn định mỗi ngày để phục vụ nhu cầu của người dân.

Thẳng thắn giá bán bó rau của Bách Hoá Xanh ngày hôm nay nó có cao hơn trước dịch không, điều đó là có. Nhưng đối với Bách Hoá Xanh, chúng tôi cam kết một điều như này. Nếu chúng tôi nói bán bó rau với giá 20.000 đồng thì khách hàng đi ra sẽ có bó rau 20.000 đồng để mua, nếu chúng tôi nói bán cà chua với giá 30.000 đồng thì khách hàng đi ra shop có cà chua 30.000 đồng để mua. Chứ chúng tôi không nói không tăng giá nhưng khách hàng đi ra không có gì để mua. Bách Hoá Xanh không bao giờ làm việc đó, ông Doanh khẳng định

Hình ảnh: Internet

CEO Thế Giới Di Động giải thích việc tăng giá bán là do các điều kiện mua hàng bình thường đã bị xé bỏ trong dịch và áp lực phải đảm bảo cung ứng đủ lượng hàng hoá thiết yếu cho người dân. Trong điều kiện này, không chỉ là việc người bán tăng giá mà nói thẳng thắn luôn là bình thường 8h họ đến nhưng bây giờ họ có trễ hơn hai tiếng đồng hồ cũng phải nán lại để đợi họ. Ngày hôm qua họ nói tôi sẽ giao cho anh 10 tấn rau nhưng họ không có xe tải, thì mình phải lùng xe tải xuống tận nơi để thu mua.

Bên cạnh đó, theo báo Người lao động, ông Doanh còn trả lời Cục QLTT rằng nhiều người đến mua hàng rồi về nâng giá bán, khiến người dân bức xúc phản ánh hệ thống Bách hóa xanh bán giá hàng hóa cao trong mùa dịch. Theo ông Doanh, thời điểm này bằng mọi cách Bách Hóa Xanh phải mang hàng về phục vụ cho người dân và niêm yết giá rõ lên các sản phẩm nếu khách hàng thấy điều gì chưa được, bất hợp lý thì xin phản ánh và Bách Hóa Xanh xin tiếp nhận.

Ông Doanh cho rằng, việc tăng giá bán hàng hóa không phải vì mục đích lợi nhuận mà vì cá lý do khách quan như hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, hư hỏng do kéo dài thời gian lưu thông.

Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) hiện nay đang vận hành ba chuỗi siêu thị lớn là Thế Giới Di Động (TGDĐ), Điện Máy Xanh (ĐMX) và Bách Hóa Xanh (BHX).

Trong đó Bách Hóa Xanh tập trung trong mảng hàng tiêu dùng và mới chỉ hiện diện ở khu vực phía Nam, có doanh thu hơn 20.000 tỷ đồng mỗi năm. Dù vậy, chuỗi siêu thị này vẫn đang thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng.