Bạn mình là một trái chủ VH_BOND_002 đang phân vân có nên gia hạn trái phiếu thêm 3 tháng theo đề nghị của CTCP Đầu tư Công nghiệp Việt Hưng.
Ngày 8/2/2021, CTCP Đầu tư Công nghiệp Việt Hưng phát hành 350 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với lãi suất 12%/năm. Trái phiếu có kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn vào ngày 8/8/2022.
CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank Securities, mã: CTS) đóng vai trò là tổ chức cung cấp các dịch vụ gồm tư vấn phát hành trái phiếu, đại lý phát hành trái phiếu, đại lý đăng ký, lưu ký và đại lý thanh toán trái phiếu, đại diện người sở hữu trái phiếu và đại lý quản lý tài sản bảo đảm cho đợt phát hành trái phiếu của Việt Hưng.
VietinBank – CN TP.HCM là đại lý quản lý các tài khoản, đại lý quản lý tài sản bảo đảm.
Ngày 6/4/2021, Công ty Việt Hưng đã sử dụng toàn bộ tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu là 350 tỷ đồng để thực hiện việc mua bán khoản nợ xấu của CTCP cơ điện Hoàng Hưng thông qua Hợp đồng mua bán nợ số 1396/2021/MBN-VIETINBANKCNHCM – VIETHUNG. Đến nay việc tiếp cận và thu hồi sang tên tài sản của Việt Hưng vẫn chưa hoàn thành. Dẫn đến lộ trình thanh lý một số tài sản thu giữ và việc huy động tái tài trợ vốn trung dài hạn từ các tổ chức tín dụng cho các tài sản đã mua bị chậm tiến độ.
Hiện nay, trái chủ VH_BOND_002 rất lo lắng về tài sản đảm bảo. Theo bản công bố thông tin, tài sản đảm bảo 1 của lô trái phiếu là 100% cổ phần của CTCP Đầu tư Công nghiệp Việt Hưng (trị giá 250 tỷ đồng). Tài sản đảm bảo 2 là Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại đường số 8, KCN Long Thành và toàn bộ nhà xưởng, công trình trên đất, máy móc thiết bị của nhà máy cơ khí mạ Hoàng Hưng tại KCN Long Thành, Đồng Nai. Giá trị định giá dự kiến là 325 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản đảm bảo dự kiến là 575 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trái chủ lo lắng bởi 2 lẽ. Thứ nhất, việc tiếp cận và thu hồi sang tên tài sản theo hợp đồng mua nợ xấu giữa Vietinbank với Việt Hưng hơn 1 năm đến nay vẫn chưa hoàn thành thì đến bao giờ có thể hoàn thành, nếu vậy tài sản đảm bảo 2 mà Việt Hưng nêu ra với nhà đầu tư chưa thể coi là tài sản đảm bảo (vì chưa sang tên được cho Việt Hưng).
Thứ hai, theo bản công bố thông tin, vốn chủ sở hữu của Việt Hưng năm 2019 là 215 tỷ đồng, 2018 là 168 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế năm 2019 (năm thuận lợi với ngành thép) đạt 20 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh như vậy, làm sao Việt Hưng có thể trả lãi cho nhà đầu tư, lên tới 42 tỷ đồng/năm (chưa tính tới gốc trái phiếu).
“Họa vô đơn chí”, các trái chủ cũng cần lưu ý là giá nguyên liệu thép, kẽm hiện biến động rất mạnh, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành này nếu không có chiến lược quản trị rủi ro tốt không có lãi, thậm chí còn báo lỗ trong nửa đầu năm 2022.