Hôm nay 10/5, TAND cấp cao tại TP.HCM tiến hành phiên xử phúc thẩm vụ án sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á – DongA Bank (DAB) giai đoạn 2 đối với ông Trần Phương Bình, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB và 11 đồng phạm gây thiệt hại hơn 8.000 tỷ đồng.
Phiên tòa phúc thẩm diễn ra do có kháng cáo của một số bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Cụ thể, bị cáo Trần Phương Bình kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Phùng Ngọc Khánh, nguyên Tổng giám đốc CTCP M&C kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xem xét lại phần trách nhiệm dân sự.
Nguyên đơn DAB cũng kháng cáo phần dân sự, đề nghị xem xét số tiền lãi buộc các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải bồi thường cho DAB tính đến ngày đưa vụ án ra xét xử. Đề nghị xem xét lại các khoản tiền buộc các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải bồi thường cho DAB, đề nghị thu hồi các khoản tiền từ UBND tỉnh Lâm Đồng, Công ty Ba Son.
4 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng kháng cáo đề nghị xem xét lại phần dân sự.
Tuy nhiên, trong phần làm thủ tục phiên tòa sáng nay, bị cáo Phùng Ngọc Khánh vắng mặt do đang tham gia phiên tòa khác ở Hà Nội. Đồng thời, một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có kháng cáo nhưng vắng mặt.
Sau khi hội ý, tòa phúc thẩm quyết định hoãn phiên tòa, thời gian xét xử lại sẽ thông báo sau. Dự kiến sau 1 tháng.
Hình ảnh: Internet
Ở phiên xử sơ thẩm hồi tháng 11/2020, TAND TP.HCM tuyên bị cáo Trần Phương Bình mức án tù chung thân về tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Bị cáo Phùng Ngọc Khánh 18 năm tù; 10 bị cáo còn lại nguyên là cán bộ DAB bị tuyên từ 2 đến 7 năm tù cùng về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Tòa tuyên buộc ông Trần Phương Bình bồi thường cho DAB hơn 2.000 tỷ đồng về hành vi lập chứng từ thu khống và hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; buộc bị cáo Phùng Ngọc Khánh bồi thường hơn 3.949 tỷ đồng, đây là số tiền mà ngân hàng cho nhóm M&C vay nhưng không có tài sản đảm bảo; buộc các cá nhân liên quan phải hoàn trả hàng ngàn tỷ đồng cho DAB.
Đối với thiệt hại hơn 3.100 tỷ của DAB khi cho nhóm khách hàng Hiệp Phú Gia – TTC, do bị can cầm đầu đã bỏ trốn nên trong vụ án này chỉ xem xét trách nhiệm hình sự của Trần Phương Bình và cán bộ DAB; còn việc bồi thường thiệt hại sẽ được xem xét trong vụ án khác.
Theo hồ sơ vụ án, trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2013, với vai trò là Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongABank, ông Trần Phương Bình đã chỉ đạo 11 bị cáo trong vụ án và các đối tượng liên quan khác thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 8.827 tỷ đồng.
Còn bị cáo Phùng Ngọc Khánh, nguyên Tổng giám đốc CTCP M&C mức án 18 năm tù và phải bồi thường hơn 3.949 tỷ đồng cho DongABank, là số tiền mà ngân hàng cho nhóm M&C vay nhưng không có tài sản đảm bảo.
Theo hồ sơ vụ án, từ 2007 đến 2013, Phùng Ngọc Khánh là Tổng giám đốc Công ty M&C đã sử dụng pháp nhân của 11 công ty thuộc Nhóm khách hàng M&C và 10 cá nhân để vay vốn tại DongABank với tổng số tiền vay là 7.106 tỷ đồng.
Khoản vay của 10 cá nhân đã được tất toán; khoản vay của CTCP Địa ốc Sài Gòn M&C có dư nợ tính đến ngày 30/6/2017 là 854,04 tỷ đồng, có tài sản đảm bảo là một phần tài sản hình thành trong tương lai từ Dự án xây dựng cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C (Saigon One Tower) tại 34 Tôn Đức Thắng, Quận 1. DongABank ký hợp đồng mua bán khoản nợ nêu trên cho VAMC với giá gần 680 tỷ đồng, nên Cơ quan Điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự đối với khoản vay này.
Còn lại các khoản vay của 9 công ty còn dư nợ tính đến ngày 24/12/2018 là 7.739 tỷ đồng (gồm gốc và lãi). Trong số đó, có 4 công ty với 5 khoản vay có chung tài sản đảm bảo là quyền khai thác tháp căn hộ 38 tầng tại Khu phức hợp Sài Gòn – Ba Son (dự án Sài Gòn – Ba Son), với tổng số dư nợ là hơn 3.949 tỷ đồng.
Quyền khai thác kinh doanh hình thành trong tương lai thuộc Dự án Sài Gòn – Ba Son được DongABank nhận làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay, khi sử dụng làm tài sản thế chấp cho ngân hàng dự án chưa có văn bản chấp thuận đầu tư của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chưa được UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 theo quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng.
Khi thế chấp cho các khoản vay tại ngân hàng không được sự đồng ý của chủ đầu tư là Công ty Ba Son; tài sản đảm bảo nhưng DongABank không thực hiện công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm.
Tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại DongABank là Dự án Sài Gòn – Ba Son đã bị ông Trần Phương Bình và Phùng Ngọc Khánh chỉ đạo các đối tượng liên quan lập khống thế chấp cho các khoản vay tại DongABank để lấy tiền đảo nợ các khoản vay của Nhóm khách hàng M&C tại ngân hàng này. Hiện các khoản vay này không có tài sản bảo đảm, gây thiệt hại cho DongABank hơn 3.949 tỷ đồng.
Ở giai đoạn 2 vụ án làm rõ sai phạm của ông Trần Phương Bình và đồng phạm liên quan đến các khoản vay thuộc 5 nhóm khách hàng (gồm Hiệp Phú Gia, Đồng Tiến, M&C, Tân Vạn Hưng và Lê Anh Tuấn – Nguyễn Thị Ngọ) và việc Trần Phương Bình chuyển 500.000 USD cho Nguyễn Thiện Nhân để chi phí thuê tư vấn tìm đối tác mua hoặc đầu tư vào DongABank. Liên quan tới nhóm Hiệp Phú Gia – TTC, Cơ quan Điều tra đã tách vụ án ra; đồng thời truy nã đối tượng Nguyễn Thiện Nhân do đang bỏ trốn, khi nào bắt được sẽ xử lý sau. |