Nhìn vào động thái liên tiếp bị CTCK bán giải chấp cổ phiếu, đồng thời còn chủ động đăng ký bán ra lượng lớn cổ phiếu ở mức giá chưa tới một nửa mệnh giá cổ phần của ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch CTCP Đầu tư Hải Phát (mã HPX – sàn HoSE) nhiều người đặt câu hỏi liệu có việc Hải Phát Invest đổi chủ?
Thông tin mới nhất về HPX là Công ty dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để trình cổ đông kế hoạch thay đổi đơn vị kiểm toán. Cụ thể, ngày 30/1, Đầu tư Hải Phát sẽ chốt danh sách cổ đông tham gia Đại hội đồng cổ đông bất thường, đại hội dự kiến tổ chức trong quý I năm 2023.
Mặc dù vậy, Công ty chưa công bố nội dung chi tiết tài liệu Đại hội đồng cổ đông bất thường sắp tới. Trong đó, Công ty dự kiến thông qua chủ trương thay đổi đơn vị kiểm toán thực hiện Báo cáo tài chính năm 2022.
Trong bán niên năm 2022, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam đã thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính bán niên của Đầu tư Hải Phát.
Tại sao Hải Phát lại đột ngột thay đổi đơn vị kiểm toán như vậy? Liệu việc này có liên quan gì đến những biến động lớn của Công ty gần đây khiến giá cổ phiếu tuột dốc không phanh? Có phải đơn vị kiểm toán Big 4 đã không thỏa hiệp với doanh nghiệp trong kiểm toán nửa cuối năm dẫn tới việc ông Hải và cộng sự quyết định thay đổi đơn vị kiểm toán “giữa chừng”, một thông lệ không tốt ở doanh nghiệp niêm yết.
Những động thái của ông Đỗ Quý Hải gần đây cũng khiến thị trường đặt câu hỏi: Tại sao giá cổ phiếu đã cực thấp, ông này còn liên tục bán ra. Đơn cử, từ ngày 27/12 đến ngày 28/12, ông Đỗ Quý Hải bán ra 10 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 22,32% về còn 19,03% vốn điều lệ.
Từ ngày 5/1 đến ngày 3/2, ông Đỗ Quý Hải tiếp tục đăng ký bán 8 triệu cổ phiếu HPX để giảm sở hữu về 16,4% vốn điều lệ.
Nếu tính từ ngày 28/11 đến ngày 23/12, gia đình ông Đỗ Quý Hải bị bán giải chấp khoảng 67.927.828 cổ phiếu HPX, tương đương 22,3% vốn điều lệ tại Đầu tư Hải Phát.
Trước đó, ngày 30/11, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital bán ra toàn bộ 36.213.187 cổ phiếu HPX để giảm sở hữu từ 11,91% vốn điều lệ về 0% vốn điều lệ. Trong đó, Vietnam Enterprise Investments Limited bán toàn bộ 26.545.716 cổ phiếu; Amersham Industries Limited bán toàn bộ 7.883.486 cổ phiếu; và Wareham Group Limited bán toàn bộ 1.783.985 cổ phiếu.
Sau giao dịch thoái toàn bộ, nhóm Dragon Capital không còn là cổ đông lớn tại Đầu tư Hải Phát.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhóm Dragon Capital mua vào cổ phiếu HPX ở mức giá khoảng 25.000 đồng/cp. Ngoài một phần nhỏ bán ra với giá trên 2x trước đây, nhóm này đã chấp nhận lỗ bán ra khoảng giá 9.000 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 30/11/2022, với khối lượng khớp lệnh chiếm tới 57% vốn điều lệ của HPX.
Một CTCK có trụ sở ở Hà Nội đã cho lãnh đạo Hải Phát cầm cố cổ phiếu với giá 9.000 đồng/CP (khi thị giá HPX còn đạt gần 30.000 đồng/CP) đã bán giải chấp được toàn bộ số cổ phần cho cầm cố. Dù vậy, lãnh đạo CTCK này đánh giá, lượng cổ phần trong phiên HPX được “giải cứu” hôm 30/11/2022 chủ yếu do nhà đầu tư nhỏ lẻ mua vào. Với diễn biến ở Hải Phát hiện nay, ít có khả năng có nhóm cổ đông nào mới sở hữu lượng cổ phần lớn, đủ tỷ lệ để đối trọng với ông Đỗ Quý Hải. Trước đây, khi Hải Phát đề nghị CTCK này hợp tác chiến lược thông qua mua cổ phần HPX, CTCK có vào đánh giá doanh nghiệp nhưng thực sự không thấy thương vụ hấp dẫn nên quyết định không tham gia.
Trở lại với diễn biến giao dịch cổ phiếu HPX gần đây, nếu tính cả cổ đông lớn và gia đình ông Đỗ Quý Hải, nhóm này đã bán ra 104.141.015 cổ phiếu HPX, tương đương khoảng 34,2% vốn điều lệ.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Lệ Dung, mẹ ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT đăng ký bán toàn bộ 1.216.677 cổ phiếu HPX để giảm sở hữu từ 0,4% về còn 0% vốn điều lệ, giao dịch được đăng ký thực hiện vào ngày 8/12/2022 đến 6/1/2023.
Đầu tư Hải Phát hiện có dư nợ trái phiếu dài hạn lên tới 2.650 tỷ đồng.
Tính tới 30/9/2022, Đầu tư Hải Phát đang có tổng dư nợ ngắn hạn và dài hạn là 4.754,7 tỷ đồng, chiếm 46,2% tổng nguồn vốn và bằng 1,31 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, 1.518,6 tỷ đồng là nợ ngắn hạn và 3.236,1 tỷ đồng là nợ vay dài hạn.
Theo thuyết minh của Báo cáo tài chính quý III/2022, Đầu tư Hải Phát đang có tổng dư nợ 2.650,04 tỷ đồng dài hạn liên quan tới 8 lô trái phiếu.
Cụ thể, lô trị giá 449,82 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Navibank; lô 349,79 tỷ đồng được tư vấn bởi Navibank; lô 300 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Smart Invest; lô 255,47 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán MB; lô 496,45 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Smart Invest; lô 298,73 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam; lô 249,78 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Dầu khí; và lô 250 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Bảo Việt.
Một nguồn tin từ doanh nghiệp cho biết, năm qua Công ty này đã xoay xở đến gần 4.000 tỷ đồng để trả các khoản nợ.
Nếu như trước đây doanh nhân Đỗ Quý Hải là một trong những số ít các doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp trên thị trường chưa từng bán ra cổ phiếu công ty mình thì những động thái của ông Hải và gia đình ông gần đây đã cho thấy, sức khỏe tài chính của ông và Công ty không thực sự vững vàng.
Khi giá cổ phiếu HPX giảm xuống mức kỷ lục, chưa bằng ½ mệnh giá cổ phiếu, chủ tịch và người có liên quan liên tục bán ra cổ phiếu, có người đặt câu hỏi, liệu Hải Phát Invest sẽ đổi chủ hoặc ông Đỗ Quý Hải sẽ có đối trọng thay vì “một mình, một chợ” ở Hải Phát trước đây? Tuy nhiên, một số người am hiểu Hải Phát lại cho biết, doanh nghiệp ít có khả năng đổi chủ. Vì sao họ lại có thể chắc chắn về phương án này như vậy, đang là vấn đề nhiều nhà đầu tư quan tâm trước thềm đại hội đồng cổ đông bất thường của Hải Phát tới đây?